Wednesday, February 10, 2010

Phi Nhung: ‘Tôi sẽ không lấy chồng‘

Tiếng hát Phi Nhung chở nỗi niềm vọng cố hương của người xa xứ. Cô cũng là ca sĩ hiếm hoi trở về Việt Nam hát khi vẫn đang đắt sô ở hải ngoại...

Với khán giả, đặc biệt là khán giả bình dân thì Phi Nhung là giọng ca quen thuộc, ngọt ngào của những bản tình ca quê hương. Còn với Phi Nhung, dù đã sống ở Mĩ từ nhiều năm nay, dù đã là ca sĩ nổi tiếng thì quê hương vẫn luôn là sợi dây gắn kết chưa bao giờ cô muốn dứt bỏ, dù nhìn lại những năm tháng đã qua, như cô kể, cuộc đời có khi còn buồn hơn cả lời một bài hát...

Thân phận con lai và tuổi thơ nghiệt ngã

Sinh năm 1971 ở Pleiku, Gia Lai. Phi Nhung không biết cha của mình là ai cho đến tận bây giờ. Lúc mẹ còn sống, mẹ chưa bao giờ nói và Phi Nhung cũng chưa một lần hỏi mẹ. Dường như ở nhà ngoại cũng vậy, không ai nhắc gì về chuyện Phi Nhung là con lai.

Cái cảm giác nếu hỏi sẽ chạm vào nỗi đau của mẹ lớn hơn những thắc mắc của một đứa bé. Theo mẹ về sống cùng cha dượng ở Cam Ranh được 2 năm, năm 1982, khi Phi Nhung mới 10 tuổi, mẹ ra đi sau một tai nạn giao thông.

Sau đó vài năm, ngoại cũng buồn phiền sinh bệnh mà chết, thân thế người cha vĩnh viễn trở thành bí mật với Phi Nhung. "Thực ra Nhung cũng không khao khát lắm về chuyện tìm lại cha của mình. Nhung không biết vì lí do gì mà mẹ mang thai Nhung trong hoàn cảnh như vậy nhưng mặc cho nỗi buồn hay những dị nghị, đàm tiếu thì mẹ cũng đã vượt qua để giữ gìn giọt máu của mình 9 tháng 10 ngày, cũng đã hết lòng thương yêu che chở, đã can đảm đối mặt với số phận để Nhung được sinh ra. Nhung chỉ biết thương mẹ, không nghĩ gì về người cha chưa biết mặt và cũng không có một lần liên hệ nào".

Mẹ mất, cha dượng cũng bỏ đi lấy người khác, kể từ cái ngày tang thương ấy, Nhung phải thay mẹ lo cho 6 đứa em cùng mẹ khác cha. Có đứa gửi cậu dì nuôi, có khi nhờ hàng xóm đùm bọc cả một năm trời sau khi mẹ mất, chị em sống nhờ cơm hàng xóm.

Nhung lăn lộn kiếm sống bằng cách bán hàng lặt vặt trong chợ, ngoài đường, thứ gì bán được lời thì nhận của người ta đem bán. Hình như chưa có món gì mà Nhung chưa bán. Lớn hơn một chút Nhung theo nghề may...

Cuộc gặp gỡ thay đổi số phận

Năm 17 tuổi, Nhung được bảo lãnh qua Mỹ theo diện con lai, và sống tại Tampa, Florida. Lại cắm đầu cắm cổ làm mọi thứ việc để gửi tiền về nuôi em. Định mệnh xui khiến cho Nhung gặp được Trizzie Phương Trinh trong một lần Nhung tham gia hát ở buổi thiện nguyện của nhà thờ.

Trizzie sang Cali. Nhung kể, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh, là bước ngoặt thay đổi số phận của cô từ nhỏ, Nhung rất thích ca hát, đặc biệt là những bài hát mang âm hưởng dân ca hay cải lương.

Cô thường hát nghêu ngao, hát những bài hát mình thích và mẹ thích nhưng cuộc sống cực nhọc, khốn khó của một đứa trẻ mồ côi khiến cô chưa bao giờ dám mơ tới việc trở thành ca sĩ. Khăn gói theo Trizzie cũng là bước liều.

"Trizzie là người rất tốt, mang Nhung về cho ở nhà mình, cho quần áo để Nhung đi hát, giới thiệu và tìm show giúp Nhung. Mẹ Trizzie nhận Nhung làm con nuôi, cũng có nhiều người hỏi Trizzie được lời gì khi đỡ đầu cho Phi Nhung nhưng thực tế Trizzie chẳng đòi hỏi một lợi ích gì từ Nhung cả.

5 năm ở nhà của Trizzie, mẹ và chị chưa một lần hỏi Nhung đi show có bao nhiêu tiền, thậm chí có khi mẹ còn cho tiền Nhung nữa. Trizzie sống theo kiểu Mỹ thấy việc gì muốn làm, nên làm là làm, không giải thích.

Tình cảm nhưng cũng rất thẳng thắn, nóng tính. Hễ nghe điều gì đó về Nhung thì gọi Nhung la trước, chưa cần biết đúng sai gì cả, nhưng cũng rất lo cho Nhung, chỉ dạy cho Nhung rất nhiều, trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp. Trizzie là người Nhung kính trọng nhất."


Nhờ sự giúp đỡ của Trizzie, Phi Nhung dần dần có một chỗ đứng trong làng nhạc hải ngoại và ngày càng ăn khách với dòng nhạc quê hương.

Không biết xấu hổ là gì!

Đó là câu Phi Nhung tự nói về mình. Không được học hành tới nới tới chốn như con người ta, một đứa trẻ lai tự bươn chải kiếm sống, nuôi em, lăn lộn với gió bụi cuộc đời, không "lì" cũng không được.

"Hồi nhỏ Nhung bị ăn đòn dữ lắm. Vất vả vậy chớ cũng ham chơi, trẻ con mà. Lớn lên cứ như một thằng con trai, chơi toàn trò chơi của bọn con trai. Có khi tối trốn đi chơi bị cậu dì kêu về cho ăn đòn. Hồi còn mẹ, mẹ cũng đánh đòn Nhung vậy, sợ con gái lớn lên mà cứ dại dột ham chơi rồi bị người ta gạt".

Sang Mỹ, Nhung làm từ bồi bàn, lau chùi, quét dọn... có việc, kiếm ra tiền là làm. Khi đi hát rồi, có Trizzie giúp đỡ nhưng mình cũng phải tự thân cố gắng. Nhung gửi đĩa thu những bài mình thích nhất đến các trung tâm. Một lần họ không nghe, Nhung gửi tiếp lần 2, Nhung gọi thẳng đến các ca sĩ hay nhạc sĩ đó hỏi phải xử lí làm sao trước đó. Nhung có biết nhạc lý gì đâu chỉ hát theo bản năng thôi.

Thời gian đầu đi hát cũng chỉ hát những bài hát trước đây mẹ thích, hát như là cho mẹ nghe vậy. Nhiều anh chị đi trước đã nhiệt tình giúp đỡ Nhung như chị Hương Lan, chị Khánh Ly... Rồi Nhung theo học nhạc với thầy Nhật Ngân, tìm những bài hát mới.

Diễn hài cũng vậy. Muốn biết vai đó diễn thế nào, làm sao chọc cười người ta, Nhung hỏi anh Hoài Linh, chị Hồng Vân... không biết cái gì Nhung hỏi cái đó, hỏi thẳng, hỏi một lần chưa được thì hỏi tiếp, chẳng bao giờ có cảm giác xấu hổ hay mặc cảm gì cả.

Ngay cả chuyện Nhung tham gia một vở kịch ở Trung Quốc vào 2005 cùng diễn với Văn Tụng Nhàn cũng vậy, Nhung tự tìm kiếm cơ hội từ Internet, tự tiếp thị mình, mày mò học hỏi từng chút để có được vai diễn này.

Nhưng cũng nhờ lần đó mà Nhung thấy mình có thể mở rộng việc ca hát, phát hành abum ở thị trường Trung Quốc sắp tới, Nhung sẽ theo học tiếng Trung Quốc ở một trường đại học Quảng Tây."


Có gieo sẽ có gặt

Kết quả của những cố gắng đó là khi Nhung tạo được dấu ấn riêng biệt trong dòng nhạc có không ít tên tuổi lẫy lừng. Nếu trước năm 1975, có Phương Dung, Hoàng Oanh, Giao Linh, Hương Lan... và họ vẫn thu hút khán giả hâm mộ đến tận bây giờ, thì các gương mặt trẻ sau này cũng không ít người thành danh như Như Quỳnh, Tâm Đoan...

Giọng Phi Nhung "sến" một cách đặc biệt, nghe ngàn ngạt như muốn khóc, lại chuyên trị những bài sầu thảm, có lẽ vì vậy mà bà con ở những vùng quê nghèo rất yêu mến Phi Nhung. Nhung kể về những chuyến đi về miền Tây, những lần vào tận những xóm nghèo vùng sâu, áo dài cụt tà, chân đất qua cầu mà hát, những đêm hát xong hai bên bàn tay đầy vết bầm tím vì khán giả... thương mà ngắt, nhéo!

Vui đó mà cũng buồn đó khi nhìn cuộc sống của dân nghèo ở những vùng xa thành phố, có đoàn hát nào về là cứ như hội, có gia đình còn mang chiếu theo ra chờ từ sáng vì nhà ở xa. Họ đều rất nghèo nhưng cái tình với nghệ sĩ luôn chân chất, nồng ấm... nhìn khán giả như vậy có lúc Nhung hát cho đến khi hát không nổi nữa mới thôi, lần nào về Việt Nam hát Nhung cũng sụt mấy kilo.

"Không hiểu sao cứ nhìn lục bình trôi là Nhung muốn khóc. Cái cảnh lênh đênh trôi dạt đó thật buồn, y như lời bài hát... ". Có lẽ vì vậy mà sau những chuyến lưu diễn, Phi Nhung giúp xây nhà cho người nghèo, xây viện dưỡng lão... về nước lần này, cô đang giúp cho một ngôi chùa ở Đồng Xoài, Bình Phước xây dựng nơi trú ngụ cho 10 đứa trẻ mồ côi và chu cấp tiền nuôi dưỡng hàng tháng.

Vài lần yêu cuối cùng vẫn một mình

"Bây giờ Nhung chỉ muốn thực hiện tốt những kế hoạch của mình ở Mỹ, ai lo phần người nấy, có show là đi, hát xong là về, không mấy khi tụ tập, đàn đúm. Về Việt Nam đi hát hoài nhưng Nhung cũng chẳng có mấy bạn bè. Nhung thì không vũ trường, không ăn diện, ăn uống cũng chẳng cầu kì, tiền làm ra chẳng xài gì nhiều cho bản thân. Đôi lúc cũng thấy mình đơn độc."

Điều khiến cô vui nhất chính là đã gom được những đứa em về quê cũ, xây cho mỗi đứa một căn nhà, tạo công ăn việc làm. Cả 5 người em cùng mẹ khác cha đều đã có gia đình riêng, chỉ còn cậu út đang theo nghề trang điểm. Nhưng Phi Nhung thì vẫn một mình.

"Đó không phải là lựa chọn của Nhung, nhưng có lẽ Nhung sẽ không lấy chồng. Nhung từng 2 lần yêu thương, từng chung sống với bạn trai thời gian dài nhưng cuối cùng cũng nhận ra mình yêu công việc hơn, mê ca hát hơn là làm một phụ nữ của gia đình.

Nhung không muốn có bạn trai rồi thì ảnh hưởng đến công việc, phải nhìn trước ngó sau, đi đâu cũng phải lo về nhà cho kịp giờ... Mối tình thứ 2 dùng dằng mãi sau 2 năm, cuối cùng cũng ai đi đường nấy.

Đàn ông họ đâu cần một người vợ như vậy và Nhung thì yêu công việc của mình hơn. Có lẽ Nhung sẽ nhận nuôi thêm nhiều con để sau này về già khỏi lủi thủi một mình. Bạn bè vẫn chọc, Nhung sắp lên chức bà ngoại rồi" (cười).

No comments:

Post a Comment